Vũ khí lợi hại từ “bóng chết” và cách dàn xếp “đoàn tàu tình yêu” từng đưa ĐT Anh vào tới bán kết World Cup 2018. Ở giải đấu năm nay tại Qatar, rất có thể Tam sư sẽ tận dụng tối đa “vũ khí” này để tiến sâu hơn.
Đoàn tàu rối loạn của người Anh
“Đoàn tàu tình yêu” là cụm từ mà báo giới Anh nói về cách dàn xếp tình huống phạt góc của đội nhà ở World Cup 2018. Các cầu thủ Anh xếp hàng theo kiểu đoàn tàu, rồi tách ra chọn vị trí, khiến đối thủ rối loạn. Đoàn quân của HLV Gareth Southgate đã tận dụng triệt để thứ vũ khí này. 9/12 bàn thắng của Anh tại World Cup 2018 (chiếm 75%) đến từ tình huống cố định. Trong đó, 5/6 bàn thắng của Chiếc giày vàng Harry Kane xuất phát từ “bóng chết”.
Tam sư không phải đội bóng duy nhất tận dụng “bóng chết”, nhưng thành công của họ ở giải đấu cách đây 4 năm đã tạo nên cuộc cách mạng mới về chiến thuật ở cấp độ đội tuyển quốc gia. “Tìm sự sống từ bóng chết” được xem là châm ngôn của nhiều đội bóng.
Chẳng nói đâu xa, Italia lên ngôi vô địch EURO 2020 bằng những tình huống “bóng chết” lạ lùng. Đứng sau những pha dàn xếp ấy là Gianni Vio, người luôn có sẵn 4.830 bài đá phạt khác nhau. Gianni Vio từng lấy bằng HLV ở trường đào tạo Coverciano với bài luận văn có nhan đề: “Tình huống cố định: Tiền đạo có thể ghi 15 bàn mỗi mùa”.
Người Anh có thể xem là đi đầu trong việc phát triển “bóng chết”. Những năm qua, giải Premier League bắt đầu tiến bộ về chiến thuật nhờ thu nạp nhiều HLV với triết lý bóng đá khác nhau trên thế giới. Thế nhưng, nó không làm thay đổi được chất nguyên bản của người Anh, đó là lối chơi thiên về sức mạnh và thể chất.
Đó là lý do vì sao các CLB Anh đã tập trung phát triển “thứ vũ khí” lợi hại này. Arsenal, M.U đều có HLV chuyên xây dựng “bóng chết”. Liverpool thậm chí đã bổ nhiệm HLV chuyên phụ trách… ném biên là Thomas Gronnemark từ năm 2018.
World Cup sẽ được quyết định bởi “Bóng chết”
Suy cho cùng, mục đích cơ bản nhất trong bóng đá là ghi bàn. Mọi cách dàn xếp đều hướng tới mục đích này. Có một đặc thù với cấp độ ĐTQG, đó là thời gian tập trung gấp gáp nên các HLV không dám mạo hiểm tập nặng trước giải đấu lớn. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào các bài tập với cường độ thấp hơn và cách dàn xếp hướng tới bàn thắng nhanh nhất (đó là tình huống cố định).
Alex Clapham, HLV chuyên về tình huống cố định từng làm việc cho Southanpton, lý giải: “Các thành viên ở ĐTQG không có nhiều thời gian bên nhau. Do đó, HLV chỉ tập trung giải quyết hai vấn đề. Đầu tiên là củng cố hàng thủ và thứ hai là phát triển tình huống cố định. Không phải ngẫu nhiên mà ĐT Anh ở World Cup 2018 và Italia ở EURO 2020 đều thành công nhờ thứ vũ khí này”.
Những con số không biết nói dối. Nó chỉ ra rằng các ĐTQG bắt đầu chú ý kỹ hơn tới “bóng chết”. Ở World Cup 2014, chỉ có 22% số bàn thắng được thực hiện từ các tình huống cố định. Nhưng tới kỳ World Cup 4 năm sau, con số này tăng lên thành 39%, tức gần một nửa số bàn thắng từ “bóng chết”.
Đó chỉ là con số hữu hình, có thể đong đếm. Ở góc độ khác, ngay cả việc ném biên cũng có thể là pha phát động tấn công nguy hiểm. Chuyên gia đào tạo ném biên Thomas Gronnemark nhấn mạnh: “Chúng ta thường thấy 40-60 quả ném biên trong mỗi trận đấu. Do đó, vai trò của những quả ném biên rất quan trọng. Các ĐTQG dù lớn hay nhỏ đều có thể sử dụng những quả ném biên một cách thông minh và nhanh chóng”.
Thời tiết nóng nực ở Qatar có thể là yếu tố thúc đẩy những tình huống “bóng chết” diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh thể lực của các cầu thủ bị bào mòn. Họ sẽ hướng tới tình huống cố định để rút ngắn khoảng cách tới khung thành.
Thống kê gần 20% số đội giành vé tới Qatar nhờ “bóng chết”
Senegal, Cameroon, Wales, Ba Lan, Australia, Costa Rica đã giành vé tham dự World Cup 2022 nhờ những bàn thắng quyết định từ tình huống cố định, chiếm 19% số đội bóng tham dự giải đấu. Điều này có thể khiến giải đấu ở Qatar bùng nổ “bóng chết” nhiều hơn.
Nếu bạn cần những nhận định chuyên sâu, những tip kèo uy tín hoặc là muốn tìm hiểu cách chơi cá độ kèo nhà cái bóng đá có thể tìm đọc những bài viết liên quan của chúng tôi để gia tăng tỉ lệ giành chiến thắng nhé.